Vân chầm chậm dắt bà Hoài lại gần ghế đá dưới gốc cây hoa sứ trắng,àduyêty le 88 một bông hoa rơi trên ghế, nhìn còn rất tươi. Vân nhặt bông hoa, nhẹ thả nó xuống dưới gốc. Nghe nói hoa sứ được dùng làm thuốc nên sáng sáng người ta hay đi lượm bông sứ rụng mang về phơi khô và bán cho các nhà thuốc nam. Trong bệnh viện người ta hay trồng cây này, ngày bé Vân thường theo mẹ vào bệnh viện, nhặt những bông sứ xâu thành chuỗi đi tặng cho những ông bà, những chú dì trong phòng bệnh.
Vân không nghĩ sẽ gặp người quen ở chỗ này. Nhìn người phụ nữ dễ mến có nụ cười hiền cô thấy buổi chiều bớt u ám hẳn. Bà Hoài là người luôn khiến người đối diện thấy ấm áp ngay cả khi bà đang mệt và anh con trai duy nhất lại đi công tác xa. Biết bà đã hơn hai năm, Vân chưa khi nào gặp mặt con trai bà, nhưng bà cũng không lấy làm buồn, luôn kể về con trai với vẻ dí dỏm và có vẻ "vùi dập", bà là thế, rõ là đang không vui, người ta còn chưa kịp nói lời an ủi bà thì bà đã quay lại động viên người nghe:
- Tuổi trẻ mà, có cột chân chúng nó cũng cắt dây chạy đi. Đi mới biết đây biết đó, tôi mà không mệt tôi cũng đi.
Mọi người bật cười, nỗi buồn khi có mỗi một thằng con đi suốt không còn nặng nề nữa. Anh con trai hẳn hạnh phúc lắm khi có người mẹ hiền hậu như bà.
- Nó cả ngày chẳng mở miệng ấy, cứ im thin thít như thịt nấu đông. Nói gì cũng dạ, dạ rồi để đấy. Kiểu dạ cho yên cửa yên nhà.
Vân phì cười, thế mà cô lại nghĩ con trai dì hẳn vui tính lắm, có người mẹ dí dỏm hoạt bát vậy, anh im lặng được kể cũng tài.
Bà nắm tay cô: "Cả tháng rồi mới gặp con, con có chuyện không như ý sao?".
Vân nắm tay bà, bàn tay lục cục xương nhưng thon nhỏ. Bàn tay của người thành phố, khác hẳn bàn tay chai ráp của mẹ cô, bà đặt một bàn tay trùm lên tay Vân:
- Chuyện với cậu trai kia à?
Vân bật cười, có một lần nào đó cô nói trong phòng bệnh rằng con bị người ta từ chối con còn chưa buồn, các chú các dì ở trong này phải vui mới được, hôm ấy bà Hoài cũng ở đó, không nghĩ bà còn nhớ.
- Chàng trai ấy mắt kém quá. Thằng con trai dì ba mươi đến nơi mà đến giờ vẫn chưa một lần đưa ai về nhà, hỏi thì nó nói từ từ. Cũng may là nó biết thích người ta.
Vân thấy vui cùng bà, cùng một chút ngưỡng mộ anh con trai, anh dám nói với mẹ chuyện mình có người trong lòng, cô cũng có người mình thích nhưng chỉ dám giữ một minh, cô không hiểu sao mình lại thích anh, một người khó tính và hay bắt bẻ. Báo cáo của cô đâu vào đấy rồi, thế mà anh còn giơ những tờ giấy lên "chỗ này vì sao mà nhàu?".
Hồi cô nhập viện vì đau dạ dày, hậu quả của những ngày ăn vội uống tạm ngủ ít để thực hiện dự án. Anh vào viện thăm, nghe y tá dặn thuốc này uống trước ăn, thuốc kia uống sau ăn nửa tiếng, thế là anh ngó chằm chằm vào đồng hồ để canh thời gian, còn không quên đe cô không quan tâm sức khỏe thì anh sẽ ngay lập tức xóa tên cô khỏi danh sách thành viên của nhóm.
Tất nhiên là cô đã thành khẩn nhận lỗi, hứa sẽ ăn đủ ngày ba bữa, ngủ ít nhất năm tiếng mỗi ngày. Sau đó anh thường đưa cô bữa sáng, khi thì tiện tay mua, lúc do mẹ nấu nhiều nên mang đi, tránh để mẹ buổi trưa ăn lại. Vân từ chối không được, đành nhận, nhận nhưng vẫn ấm ức, anh không thể dùng thái độ khác được sao, cứ đăm đăm như trong cuộc họp xử lý sự cố. Cô còn nhận ra, những bữa sáng anh đưa cô không bao giờ có cọng hành hay miếng ớt nào. Mì xào không hề có cà rốt, bánh cuốn cũng không cho giá, chỉ rắc vài lá rau thơm…
Có lần, Nguyệt, cô bạn thân của Vân giận người yêu, Nguyệt đòi chia tay và chuyển đi khỏi khu nhà trọ, Nguyệt gọi Vân đến chuyển đồ giúp. Người yêu của Nguyệt đã ở đấy, anh dỗ Nguyệt, bất chấp có mặt Vân: "Đừng chuyển đi, được không, em có giận thì cũng phải ở lại đây giận thì anh mới dỗ được chứ!". Khi ấy chính Vân lại là người xấu hổ, len lén bỏ ra ngoài sân đứng.
Sau này thường xuyên vào bệnh viện, Vân nghe hoài những lời "sến sẩm" nên lì hơn, mỗi khi nghe được còn thấy vui, thi thoảng cô cũng dùng nhưng ở mức độ thấp. Anh Hai nói do cô còn quá non.
- À, con nhớ bà Thoa không, bà nhỏ người, hay cười tóc ngắn, hay đòi con nhổ tóc sâu ấy. Cuối tuần này bà ấy tổ chức tiệc thôi nôi cho cháu ngoại, mời hết những người nằm cùng phòng với bà ấy. Con đi với dì nhé, con mà đến bà ấy chắc mừng lắm. Bà ấy những tưởng mình không kịp nhìn mặt hai đứa cháu sinh đôi của mình, thế mà nay đã thôi nôi rồi. Thần kỳ thật chứ!
Vân lấy quyển sổ tay ra xem, cuối tuần cô không có hẹn.
- Sao dì không để anh chở đi ạ, con ngại đến chỗ đông người.
- Thôi đừng nhắc nó, dạo này nó ngơ ngẩn ngẩn ngơ, hỏi thì nói người con gái nó thích hình như không thích nó. Thích người ta mà không chịu nói, cho ế tiếp! Con ngại chỗ đông người, thế bệnh viện vắng lắm à? Hôm trước dì cho nó xem cái video liên hoan, chỉ con, nó bảo "cô nhóc nhìn kháu nhỉ?" Đấy, thế có chán không chứ!
Vân phì cười khi bà háy mắt rất nhộn. Tuần ba lần sau giờ làm, cô lại vào đây, ở đây nhiều người cần cô, những khi đau ốm bệnh tật người ta thường cần có người bên cạnh để được hỏi han nâng giấc, có khi để nghe họ kể chuyện để không thấy cô đơn hay có cảm giác bị bỏ rơi. Những khi bệnh, thời gian trôi rất chậm, ngày như dài ra, những ngóng trông trở nên tha thiết và tổn thương sẽ nặng nề hơn. Không phải lúc nào con cái người thân cũng có thể ở bên. Khi ấy, Vân thành người quen, người nhà, ngay cả khi không có lịch, có người gọi cô vẫn đến.
Sáng nay, chị Thu gọi Vân nói chiều nhờ cô đến sớm với mẹ chị. Bà mới sáu mươi, góa chồng khi ngoài hai mươi và ở vậy nuôi dạy con gái. Nhưng chị Thu cũng không gặp may mắn khi người đàn ông chị nghĩ có thể nương tựa đã có người khác khi chị đang bầu sáu tháng. Thế là nhà lại còn một mẹ một con cùng chờ đón cháu. Sáng nay mẹ chị thấy không khỏe, chị nói chiều sẽ đưa bà vào viện kiểm tra. Kẹt cái là chị mới sinh em bé một tuần không thể đi lâu.
Khi Vân đến nơi, mới gửi xe xong đã nghe chị Thu khóc nấc nói mẹ chị đi xa rồi. Ăn trưa xong, bà lên giường ngủ và cứ thế đi. Vân bàng hoàng ngồi nhớ lại người phụ nữ lam lũ tần tảo, đến cái bịch nylon cũng vuốt thẳng thớm trước khi gấp gọn. Bà nhiều bệnh, nay đã hết đau đớn mệt mỏi nhưng còn chị Thu và đứa cháu ngoại mới được một tuần kia thì sao?
Vân bần thần ngồi trên ghế đá, cô để mình định thần lại rồi sẽ đến nhà chị Thu, lúc này hẳn chị Thu cần lắm những người ở cạnh.
Bà Hoài sốt sắng:
- Cho dì đi với, chờ dì gọi điện nói nó tiếng kẻo nó lại cằn nhằn.
Trong nhóm zalo có tin mới, ông Sơn được xuất viện sau gần nửa năm điều trị, tình hình khả quan. Vân rủ bà Hoài đến phòng bệnh chia vui và tiễn chân ông. Những người già vào đây, mấy ai được như ông, con cái thay nhau túc trực, thuốc men luôn sẵn sàng. Anh con trai út chiều nào cũng cõng cha đi dạo, khi ấy nhìn hai cha con rất tươi, rất đẹp.
Còn có những đứa con khác, trước mặt bố mẹ vẫn so bì tị nạnh. Có người đang trực lại có công chuyện, họ rút xoẹt mấy tờ tiền đưa cho Vân, cô đẩy trả lại, không ai chăm cha mẹ bằng con cái, nếu chị có việc thì đi nhanh rồi về. Họ đi nhưng vẫn ném cái nhìn sắc lẻm cho cô, dường như cô không nhận tiền khiến họ không yên tâm.
Nhiều người hỏi, cô còn trẻ thiếu gì chỗ chơi, mua sắm, hẹn hò, ăn uống, đến nơi u ám này làm gì, đã vậy lại không được đồng nào. Vân kể cho mọi người nghe chuyện ông ngoại, ngày mẹ còn nhỏ, ông bị tai nạn phải nằm viện, bà ngoại một nách hai con nhỏ, chiều chiều bà phải lôi cả hai đứa trẻ vào bệnh viện cùng cặp lồng cháo. Khi ấy có một người phụ nữ lớn tuổi hay đi đổi nước tên là dì Ba đã phụ bà trông đám trẻ để bà chăm sóc ông. Những khi bà phải về, dì Ba nói sẽ ngó chừng giùm. Hỏi mới biết dì từng là người nhà bệnh nhân nhưng mẹ dì không may đã qua đời. Ngoài giờ làm dì thường đến đây, ai nhờ gì thì làm, không thì phụ lau chùi dọn dẹp. Bệnh viện có khi nào hết việc.
Ông ngoại ra viện, bà ngoại với dì thành người thân, Vân gọi là bà dì, đến giờ hai nhà vẫn qua lại với nhau.
- Rồi mẹ con cũng vào bệnh viện dù mẹ sợ máu, và mẹ quen bố ở bệnh viện. Bố đi cùng một người bạn vào thăm bệnh. Họ cứ thế gặp nhau và thành gia đình.
- Cái duyên nó vậy đấy.
Vân nhớ hồi anh Hai đưa cả vợ con về nước bắt đầu từ con số 0, chị dâu không vui lắm vì bên kia anh có công việc khá tốt và đãi ngộ cao, đám trẻ chắc chắn có môi trường học hành tốt hơn, nhưng chỉ một thời gian ngắn chị đã ủng hộ anh. Vân cắc cớ, anh dẫn vợ con về để tranh bố mẹ với em đúng không? Anh trả lời bằng cách xoa đầu cô rối mù.
- Ăn lắm cũng chỉ ngày ba bữa, nên thấy đủ là đủ, thấy vui là vui. Những lúc không vui là rào cản cần mình vượt qua. Anh thấy mình có ích và trưởng thành hơn khi ở quê mình.
Vân học anh, cũng muốn mình có ích. Khi cô nói những buổi chiều cô vào bệnh viện, bố mẹ lo cô đểnh đoảng, vụng về khéo làm người ta bực mình, anh Hai dặn phải ăn uống đầy đủ, bổ sung Vitamin, làm gì cũng phải cẩn thận chu đáo và không được giở thói nhõng nhẽo như ở nhà. Cuộc gọi dặn dò hơn một tiếng đồng hồ, cô gật đầu đến mỏi.
Cũng may Vân chưa làm gì để ai giận dữ, nhưng buồn thì đôi lần. Cô con gái ngồi đấy nhưng lại sai cô bón cháo cho mẹ mình. Vân nhẹ nhàng từ chối và tất nhiên là nhận được những lời càu nhàu và thái độ không mấy thiện cảm.
Vân quên những chuyện đó rất nhanh, cô chỉ nhớ những buổi liên hoan ra viện, khi ấy khóc cười đều có. Có người ít bữa sau lại quay lại, có người mãi mãi Vân không được gặp nữa, trước khi đi người ta còn nhớ gửi lời chào đến cô.
Cuối tuần, bà Hoài nói Vân ở nhà chờ bà qua đón, từ nhà bà đi qua chỗ cô tiện hơn. Từ ngày cùng bà đến nhà chị Thu, ngày nào bà cũng nhắn tin, khi thì hỏi thăm, khi dặn dò cô ăn uống, cẩn thận cái dạ dày. Những chiều cô vào bệnh viện bà cũng vào theo, chỉ để gặp những người bạn cũ, làm quen với bạn mới. Từng là bệnh nhân, họ có nhiều chuyện để chia sẻ, không như Vân chỉ biết ngây ngô cười. Bác sĩ y tá đùa Vân có trợ lý ngon lành quá. Bà cười, tuổi này rồi, nơi này thành nhà mất rồi.
Nên Vân không cách nào từ chối được bữa tiệc thôi nôi. Cái xe hơi màu đen dừng lại, kính cửa sau hạ xuống, bà Hoài giơ tay vẫy vẫy. Lên xe, Vân nhìn tài xế và cứng người. Sao lại là anh, chẳng nhẽ anh chạy grab? Anh không hề ngạc nhiên khi thấy cô, ánh nhìn vẫn lạnh nhạt như ở công ty.
Bà Hoài nắm bàn tay lạnh ngắt của Vân, thì thầm:
- Con trai dì đấy!
- Sao dì bảo anh có cả tỉ lý do để từ chối đi cùng dì? - Vân cũng hạ thấp giọng, sực nhớ có lần dì kể, khi thấy cô trong video anh đã nói "cô nhóc này kháu nhỉ?". Hóa ra anh đã nhận ra cô.
- Có một tỉ nhưng dùng hết rồi, lần này là lần thứ một tỉ lẻ một. Được chưa?
Xe từ từ chạy, Vân không dám nhìn về phía anh, bà Hoài vỗ vỗ tay cô, quăng cái nhìn ghét bỏ lên phía trước:
- Con đừng sợ, nó vậy là bình thường rồi đấy, đã biết theo đuổi người ta, sáng nào cũng hỏi nay mẹ nấu gì, ngày nào cũng dặn đừng bỏ hành, đừng cho ớt…
Thể lệ
Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng
Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹplần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.
Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.
Cuộc thi Sống đẹplần thứ 3 của BáoThanh Niênđề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.
Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).
Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.
Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.
Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.
Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.
Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: [email protected] hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trangSống đẹpcủa BáoThanh Niên.