Sau gần một tiếng xếp hàng tại một shop thời trang trên phố Bà Triệu,ìnngườichennhaumuasắmdịcatalogue Hải Ngọc, 22 tuổi, mới đến lượt thanh toán chiếc áo vừa "săn" được với giá giảm 40%.
Là tín đồ của hãng thời trang này, Ngọc nói phải đợi cả năm mới đến dịp Black Friday để được mua với giá tốt. Cô cho biết đây là năm nay có nhiều mặt hàng đẹp, đa dạng, giảm giá đồng loạt 40%. Các năm trước mức giảm giá có thể lên tới 70% nhưng chất lượng không bằng.
"Tôi phải xin nghỉ làm buổi chiều để tránh buổi tối đông đúc, ai ngờ lúc đến phải tranh nhau với hàng trăm người mới mua được", cô gái 22 tuổi nói.
Black Friday (Ngày thứ 6 đen) là ngày hội giảm giá, khuyến mại lớn nhằm kích thích mua sắm có nguồn gốc từ Mỹ, diễn ra vào thứ 6 của tuần thứ tư tháng 11 hàng năm. Black Friday xuất hiện ở Việt Nam từ khoảng hơn 10 năm nay và dần trở nên phổ biến. Trong dịp này, các sản phẩm thường được giảm giá mạnh, có thể lên tới 70-80%.
Ghi nhận của VnExpresstại một trung tâm thương mại ở phố Bà Triệu, từ 10h ngày 24/11 đã chật cứng người mua sắm, hiện tượng xếp hàng dài hàng chục mét từ cửa ra đến hành lang, xuất hiện ở nhiều gian hàng nhưng đông nhất là ở các cửa hàng thời trang như giày dép, quần áo. Mức giảm giá phổ biến khoảng 30-80%.
Chị Minh Nguyệt, 35 tuổi, chủ một cửa hàng quần áo trên phố Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cho biết lượng khách bắt đầu tăng từ 8h, ước tính đông gấp ba lần so với ngày thường. Khoảng 70% khách hàng là người trẻ từ 16-28 tuổi. Để kích cầu mua sắm, tiệm chị Nguyệt giảm giá trong ba ngày từ 24 đến 26/11, giảm từ 20-30% khi mua trực tiếp hoặc mua trên các sàn thương mại điện tử.
"Dù trong năm tiệm cũng có nhiều đợt giảm giá mạnh, có khi còn nhiều hơn dịp Black Friday nhưng lượng khách đến mua vào ngày này lúc nào cũng đông hơn", chị Nguyệt nói.
Dọc tuyến phố Đặng Văn Ngữ (quận Đống Đa) các cửa hàng thời trang vừa tổ chức livestream trên các nền tảng mạng xã hội vừa bán cho khách đến mua trực tiếp. Chị Minh Anh, 30 tuổi, cho biết bắt đầu từ 13h cửa hàng của chị không còn chỗ cho khách đứng xem, nhân viên phải liên tục dọn dẹp quần áo phòng thử đồ.
"Chưa kể lượng khách ở nhà "săn" mã giảm giá trên ứng dụng mua sắm, từ 9h đến 16h, cửa hàng đã có gần 600 khách chốt đơn trên TikTok, chưa kể các sàn khác", chị Minh Anh nói.
Anh Văn Thành, 22 tuổi, nhân viên bảo vệ của một cửa hàng trên phố Đặng Văn Ngữ nói từ tối 23/11 đường đã tắc nghẽn, các shop đều hết chỗ để xe buộc người mua sắm phải để phương tiện tràn lan khắp nơi. Khách phải đi bộ nếu muốn dạo hết hơn hai mươi cửa hàng tại con đường này.
Lên kế hoạch mua sắm từ hai tháng trước, lưu sẵn tất cả các mẫu quần áo, giày dép mình yêu thích nhưng đến dịp lễ, Thùy Linh, 24 tuổi, ở quận Cầu Giấy vẫn không mua được hàng như ý vì trước đó đã có nhiều người đến xếp hàng từ sớm. Cầm trên tay đôi giày cỡ 38, Linh nói dù hơi rộng nhưng cô chấp nhận vì giá đã giảm 35%. "Không mua thì tôi sẽ lại phải đợi đến năm sau, lúc đấy mẫu giày cũng hết 'hot' rồi", Linh nói. Dù phải xếp hàng, chen chúc nhưng cô nói việc xem đồ và mua được nhiều món giá rẻ vào ngày này khiến cô hạnh phúc, giảm stress.
Nhưng không phải khách hàng nào cũng thoải mái với cảnh chen chúc, chờ đợi. Vũ Nam, 26 tuổi, ở quận Hà Đông nói sau ba năm tranh giành mua hàng giảm giá dịp Black Friday, anh thấy lãng phí thời gian và công sức vì trên thực tế giá không giảm nhiều như quảng cáo, nhiều cửa hàng treo biển giảm 70-80% nhưng chỉ là số lượng ít hàng tồn, cũ từ năm ngoái hoặc hàng hè, kém chất lượng. Mẫu mã mới thì chỉ giảm 5-10%, không đáng để đi xếp hàng.
Thay vì bon chen như mọi năm, Như Ngọc, 24 tuổi, ở quận Hà Đông nói hiện tại các app trên sàn thương mại điện tử hỗ trợ giá tốt, hầu như đều miễn phí vận chuyển và chiết khấu thêm 5-10%, nhiều thì 15-20%. Các shop cũng livestream nên chỉ việc xem và "thêm vào giỏ hàng".
"Thay vì chen chúc nhau rồi bực mình, khó chịu, tôi ở nhà vừa làm việc vừa mua sắm thoải mái hơn nhiều", Ngọc chia sẻ.
Thanh Nga