Đến nay,ươngy làmhàngràothuốcnamphụcvụngườinghèsmurf ngoài hàng rào thuốc nam hơn 5 km, hiện xã Tân Lộc có 3 vườn thuốc lớn tổng diện tích hơn 6.000 m2, với hơn 60 vị thuốc các loại. Hơn 800 kg dược liệu thu hoạch mỗi năm từ những vườn trồng này được cung cấp cho Phòng khám Đông y Phước Thiện của xã.
Phòng khám Phước Thiện mỗi năm khám chữa bệnh và bốc thuốc miễn phí cho 500-800 lượt người. Ước tính, mỗi năm đơn vị cấp khoảng 15 tấn thuốc. Tất cả dược liệu đều từ nguồn dân quê tự trồng.
Người khởi xướng trồng thuốc nam là lương y Phạm Văn Hiểm, 50 tuổi, Chủ tịch Hội Đông y xã Tân Lộc. Phòng khám nhỏ của ông tại chùa Hưng Lộc ở ấp 5, là địa chỉ chữa bệnh, châm cứu, bốc thuốc.
Vốn đam mê tìm hiểu các loài cây thuốc nam từ nhỏ, ông Hiểm học y sĩ và lớp chuẩn hóa lương y tại Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau. Năm 1996, ông tốt nghiệp rồi làm việc ở nhiều phòng khám tại các xã trong tỉnh. Năm 2013, lương y Hiểm về quê nhà ở Tân Lộc để làm việc cho phòng khám Phước Thiện. Ông nhận thấy nhu cầu về nguồn thuốc nam ngày càng lớn, song nguồn dược liệu lại không đáp ứng, nên nảy ra ý tưởng trồng thuốc nam ở khu vực đất trống tại nhà dân.
"Ban đầu tôi chọn khoảng 10 loại dược liệu để ươm, nhân giống cây thuốc rồi mang đến từng nhà dân gửi trồng, hướng dẫn cách chăm sóc", ông Hiểm nhớ lại, nhìn nhận đã gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục người dân trồng cây thuốc tại nhà, do họ chưa hiểu tác dụng của các dược liệu.
Ông thường xuyên lui tới nhà dân để giới thiệu về tác dụng của các loại dược liệu. Trong các buổi khám, chữa bệnh, lương y Hiểm kết hợp chia sẻ nguồn gốc, lợi ích của vị thuốc, giải thích rằng nguồn thuốc của địa phương đang cạn dần.
Nhờ kiên trì, ông Hiểm trồng được hàng loạt cây thuốc nam ở vườn trống. Sau đó, địa phương phát động phong trào vận động người dân xây dựng hàng rào cây xanh, ông chuyển sang trồng thành hàng rào trước nhà.
"Tôi chỉ trồng được 30 m hàng rào thuốc nam ở nhà những hội viên, người quen, nhưng cây không sống được bao nhiêu", ông Hiểm kể, thêm rằng do ban đầu không biết chăm sóc cộng thêm nền đất ở địa phương thấp nên cây dễ chết.
Không bỏ cuộc, ông tiếp tục tìm hiểu và lựa chọn trồng các loại cây thuốc phù hợp như mọi lựu, dành dành, bông trang... Theo ông Hiểm, những cây thuốc nam được chọn trồng hàng rào là loại có thân cứng cáp, thẳng đứng có thể làm hàng rào cây xanh, lại được dùng chữa bệnh thường gặp. Ví dụ, cây mọi lựu có tác dụng trị bệnh tê, phong thấp, giúp lưu thông máu huyết; dành dành có thể giải nhiệt, trợ gan, có lợi cho thận, chống viêm...
Noi theo lương y Hiểm, nhiều hộ dân chủ động xin cây giống về trồng, chăm sóc. Năm 2017, những dãy hàng rào xanh tốt được hình thành. Lượng thuốc nam vừa là nguồn dược liệu cung cấp cho việc khám chữa bệnh, vừa tạo cảnh quang xanh sạch ở nông thôn.
Ông Lê Văn Út, 55 tuổi, ở ấp 5, cho biết năm 2016 ông được lương y Hiểm vận động trồng cây thuốc nam tại nhà. Đất trống còn nhiều nên ông hưởng ứng, nhận về hàng chục cây giống mọi lựu, dành dành để trồng. Hai năm sau, hàng rào thuốc nam hơn 30 m trước nhà hình thành.
Còn anh Lý Công Huỳnh, 36 tuổi, ở ấp 7, nói rằng các loại cây thuốc nam được chọn trồng tại nhà rất dễ sống, không khó chăm sóc. Vào những tháng mùa mưa hầu như không phải tưới hay chăm bón nhiều, chỉ chú ý không để ngập nước. Riêng những tháng nắng, anh tranh thủ tưới mỗi ngày một lần để duy trì hàng rào xanh tốt. Sau 1-2 năm, tùy loại cây sẽ cho thu hoạch.
"Trồng thuốc nam trước nhà vừa có được hàng cây đẹp mắt, vừa có nguồn dược liệu cứu người, tôi thấy rất ý nghĩa", anh Huỳnh nói, cho biết lương y Hiểm còn hướng dẫn người dân sử dụng cây thuốc nam tại nhà để trị các bệnh cảm cúm, nhức mỏi thông thường.
Cứ như thế, phong trào trồng hàng rào thuốc nam tại xã được bà con hưởng ứng nhiệt tình. Khoảng nửa tháng một lần, các hộ trồng thuốc nam sẽ cắt, tỉa. Dược liệu được lựa chọn, vận chuyển về kho để phân loại, phơi khô và dự trữ. Lương y Hiểm sắp xếp, ghi chép để biết được số lượng, chủng loại của các vị thuốc.
Ngoài số lượng thuốc nam được sử dụng tại địa phương, dược liệu còn được Hội Đông y xã Tân Lộc chia sẻ cho các xã lân cận, thậm chí cho các huyện khác, sau đó đổi lại những vị thuốc còn thiếu. Nhiều tỉnh khác cũng đến địa phương để hỏi xin thuốc, cây giống thuốc về trồng.
Nhiều bệnh nhân điều trị bằng thuốc nam hiệu quả đã trở thành người trồng thuốc. Ông Quách Văn Nơi, 63 tuổi, ở ấp 7, cho biết mắc bệnh viêm gan cộng với thiếu máu não, hoàn cảnh khó khăn nên cứ lần lựa chưa dám nhập viện. May mắn, ông được bà con trong xóm giới thiệu đến bốc thuốc miễn phí tại phòng khám đông y của lương y Hiểm.
"Một năm nay, nhờ điều trị bằng thuốc nam mà tôi đã bớt nhức đầu, bệnh tình thuyên giảm rất nhiều", ông Nơi nói và cho biết dự định xin cây thuốc nam để trồng trước nhà như nhiều hộ xung quanh, mong muốn góp phần nhỏ nguồn dược liệu cho phòng khám.
Hoặc, ông Nguyễn Văn Tùng, 50 tuổi, trước đây bị tai biến, điều trị tại phòng thuốc nam của lương y Hiểm hiện đã khỏi bệnh, có thể sinh hoạt bình thường. Nhiều năm nay, ngoài trồng các cây thuốc tại nhà, ông quyết định đến phòng khám để chặt, phơi thuốc. "Lượng thuốc nam từ hàng rào ở các nơi và vườn thuốc nam tập trung về đây là rất lớn nên cần nhiều nhân công để hỗ trợ. Tôi mong muốn góp phần công sức nhỏ để giúp nhiều bệnh nhân nghèo được chữa bệnh miễn phí", ông Tùng nói.
Ông Trần Hải Phong, Chủ tịch Hội Đông y huyện Thới Bình, đánh giá lương y Hiểm có vai trò lớn trong việc phát triển và nhân rộng các vườn thuốc nam tại địa phương. Từ đó, nguồn dược liệu tại địa phương luôn dồi dào, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân bằng phương pháp Đông y.
An Minh