Mông lung sau khi nghe bạn... thuyết trình
Để học sinh (HS) chuẩn bị nội dung bài,ơhọcsinhkhônghiểubàikhichỉnghebạnthuyếttrìquả phụ tướng lên thuyết trình là mộtcách giúp HS rèn luyện sự tự tin, khả năng giao tiếp, nói trước công chúng. Hiện nay, giáo viên của hầu hết các môn học, đặc biệt cấp THPT, đều cho HS thực hiện thuyết trình để đổi mới phương pháp đánh giá, kiểm tra. Theo đó, các nhóm HS lần lượt thuyết trình về một vấn đề của môn học, các HS khác nghe và cùng tham gia thảo luận...
Tuy nhiên, nhiều HS cho biết cảm thấy không hứng thú, không hiểu bài như được giáo viên giảng. Hay giáo viên không chốt lại bài khiến HS mông lung, không đọng lại kiến thức sau khi nghe bạn thuyết trình.
Anh Trúc (lớp 10, Trường THPT Lê Thánh Tôn, TP.HCM) chia sẻ: "Một tuần em thuyết trình ít nhất từ 3 - 4 lần, các bạn trong nhóm sẽ thay phiên nhau trình bày hoặc thầy cô bốc thăm để mọi người đều có cơ hội thể hiện. Tuy nhiên, do tự tìm tòi nên các bạn vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của bài, chưa chắt lọc ý tinh gọn nên phần trình bày hơi mông lung, khó nắm bắt".
Còn Bùi Trân (lớp 10, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP.HCM) cho biết, sau khi thuyết trình thầy cô sẽ giảng lại để HS nắm rõ nhưng cũng có vài giáo viên không chốt. Đôi khi các bạn thuyết trình quá dài và nặng lý thuyết khiến nữ sinh này khó ghi nhớ kiến thức.
Trân bày tỏ: "Em mong thầy cô thêm vào bài học những trò chơi như đoán ô chữ, làm thơ, vẽ tranh để HS cải thiện những kỹ năng khác ngoài việc tìm tư liệu và tra cứu thông tin trên mạng cho bài thuyết trình".
Tương tự, Nhật Anh (lớp 9, Trường Tiểu học-THCS-THPT Khải Hoàn Nam Sài Gòn) cũng mong muốn giảm số lượng bài thuyết trình, cân bằng với các hình thức kiểm tra khác.
"Một tuần em thuyết trình từ 1-3 lần, có một số môn khá nặng như lịch sử, ngữ văn. Thuyết trình liên tục khiến em khá áp lực và đầu tư bài không được hiệu quả, thiếu chất lượng. Thay vào đó, em mong giáo viên có thể tổ chức chơi gameshow, thi đấu theo tổ để tiết học sinh động và HS cảm thấy thú vị hơn".
Thuyết trình quá nhiều: lợi bất cập hại!
Trên diễn đàn, hội nhóm của HS, một số em cho biết, số lượng bài thuyết trình quá nhiều khiến các em bị căng thẳng, tốn nhiều thời gian soạn nội dung, thiết kế powerpoint, có khi thuyết trình 4 - 5 lần trong tuần.
Tài khoản N.A chia sẻ: "Em phụ trách làm powerpoint nên thường phải thức khuya, nhắc nhở các bạn gửi thông tin, có lúc khá mệt mỏi vì thường phải ngồi thiết kế lâu".
Một số em còn gặp tình trạng bạn cùng nhóm không hợp tác, phải gồng gánh việc, bỏ nhiều công sức nhưng điểm thuyết trình còn thấp hơn điểm kiểm tra.
Tài khoản B.T cho biết: "Khi soạn tư liệu có thiếu sót em sẽ báo các bạn làm lại nhưng các bạn không làm thì em phải tự bổ sung. Một số môn phân nhóm quá đông thường có vài bạn sẽ không chịu làm gì cũng như không thể phân chia công việc đồng đều".
Giáo viên cần là người đồng hành
Về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Hồng Loan, giáo viên (GV) Trường THPT Trần Khai Nguyên, TP.HCM, nhận định, tiết học chỉ thật sự hiệu quả khi HS học tập chủ động, sáng tạo, tập trung; GV tổ chức tiết học thu hút và phát huy được sự năng động, sáng tạo của người học.
Để nắm được nội dung bài học khi tham gia buổi thuyết trình, cô Hồng Loan cho biết, với vai trò người nghe, HS cần bám vào các tiêu chí để đánh giá bài thuyết trình, có tư duy phản biện, nhận xét, đánh giá và chủ động ghi chú để nhờ GV định hướng phần chưa hiểu.
Cô Loan chia sẻ: "Tùy mỗi bài, tùy mục tiêu cần đạt, GV sẽ linh hoạt tổ chức nhiều phương pháp dạy học khác nhau như làm việc nhóm, sơ đồ tư duy… Thuyết trình là một trong những phương pháp rèn cho HS nhiều kỹ năng như trình bày một vấn đề (nói), trao đổi, phản biện (nghe), tìm hiểu và xử lý thông tin (đọc), chuẩn bị bài thuyết trình (viết). Phương pháp thuyết trình nếu được áp dụng phù hợp sẽ rất hiệu quả để phát triển năng lực HS".
Bên cạnh đó, cô Loan cho hay, nếu nhiều môn thuyết trình trong một buổi học, HS có thể trao đổi với GV để được hỗ trợ, hướng dẫn. "GV thường cho HS chuẩn bị bài thuyết trình trong một tuần, thời gian này là hợp lý để sắp xếp. Nhưng thực tế, một số em thường để 'nước đến chân mới nhảy' nên áp lực, cảm giác không kịp thời gian", cô Loan nhận định.
Theo cô Hồng Loan, quan điểm lấy HS làm trung tâm là chuyển giao nhiệm vụ cho người học, thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ học tập, HS sẽ được rèn luyện, phát triển những năng lực, phẩm chất cần thiết đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay. Song, GV cần là người đồng hành cùng HS, cần hệ thống kiến thức, nhấn trọng tâm, định hướng những phần mà các nhóm thuyết trình chưa làm rõ để chốt lại bài học hiệu quả.
Không "cào bằng" khi giao nhiệm vụ cho học sinh
Theo thạc sĩ Phan Thế Hoài, dạy ngữ văn tại một trường THPT ở Q.Bình Tân (TP.HCM) để HS nắm kiến thức sau khi thực hiện thuyết trình, GV phải lưu ý không "cào bằng" nhiệm vụ khi giao yêu cầu cho từng nhóm HS.
Cụ thể, theo thầy Hoài, ngoài việc cử nhóm trưởng giám sát thì GV phân công nhiệm vụ cụ thể theo năng lực của từng HS. Với HS có học lực trung bình thì nhận nhiệm vụ ở mức độ trung bình, HS khá hơn thì mức độ yêu cầu của nhiệm vụ tăng hơn. Khi đã nhận nhiệm vụ thì HS sẽ có trách nhiệm thực hiện và có thể tham khảo ý kiến thầy cô, bạn bè để hoàn thành phần việc của mình. Khi đó, từ những nội dung đã thực hiện, HS sẽ thấy được hiệu quả qua bài tập thuyết trình và GV cũng có cơ sở để đánh giá chính xác HS.
Ngoài ra, giáo viên Phan Thế Hoài còn cho rằng khi giao nhiệm vụ học tập là các bài thuyết trình, GV cần lưu ý về mặt thời gian sao cho phù hợp. Khi HS có thời gian tìm kiếm tài liệu, tư duy các kênh thông tin hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh thì bài thuyết trình mới sâu sắc, hiệu quả.
Sở GD-ĐT yêu cầu tránh lạm dụng công nghệ, gây quá tải với HS
Trong cuộc họp giao ban chuyên môn các bậc học vào đầu tháng 10, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã có những lưu ý về việc đổi mới phương pháp giảng dạy tuy nhiên nhấn mạnh tránh lạm dụng công nghệ, gây quá tải với HS.
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, lưu ý GV không nên nhầm lẫn giữa chuyển đổi số với lạm dụng công nghệ. TP.HCM đang trong quá trình xây dựng đô thị thông minh trong đó có giáo dục thông minh cho nên chuyển đổi số để đẩy mạnh khả năng tự học, học theo hướng dẫn từ đó tạo điều kiện cho việc học trực tiếp hiệu quả hơn, có nhiều thời gian trên lớp để phát huy năng lực…
Ông Tân chỉ thêm, GV giao nhiệm vụ học tập như làm bài thuyết trình, dự án… cho HS mà không hướng dẫn khiến HS quá tải, chưa đảm bảo nguyên tắc sư phạm, chưa đúng yêu cầu của nhiệm vụ dạy học.
Còn ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhìn nhận thời gian qua có tình trạng GV lạm dụng hình thức thuyết trình trong dạy và học khi đổi mới phương pháp. Theo ông Hiếu, đổi mới phương pháp dạy học là phải giảm tải, tạo hứng thú cho HS. Lạm dụng các phương pháp đổi mới dạy học sẽ gây áp lực cho HS, gây phản cảm nặng nề trong việc dạy và học.
Vì vậy, người đứng đầu ngành GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh, GV đổi mới phương pháp dạy học với đa dạng các hình thức học tập là cần thiết nhưng cần phù hợp và vừa sức với HS.