Trong khi đó,ệtnạnxedùbếncóáo evisu bến xe mới tiêu tốn khoảng 4.000 tỉ đồng từ ngân sách lại chỉ lèo tèo vài chiếc xe khách. Tình trạng "xe dù bến cóc" kéo dài cả chục năm, quy định nhiều lần sửa đổi, chính quyền địa phương hứa quyết tâm nhưng không chuyển biến rõ nét.
Cứ sau mỗi lần xảy ra tai nạn thương tâm, câu chuyện được lật lại và dường như đều có mẫu số chung là sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Bộ, ngành nói quy định có rồi, trách nhiệm thực hiện là của địa phương; còn địa phương thì cho rằng quy định chưa rõ, khó áp dụng nên không xử lý được. Vòng luẩn quẩn này tiếp tay cho những nhà xe trá hình.
Đón khách dọc đường, nhà xe hưởng lợi đủ thứ, từ không tốn tiền bến bãi, hớt tay trên của xe trong bến, kê khai thuế ít hoặc không nộp, ít bị kiểm tra về điều kiện hoạt động phương tiện, sức khỏe tài xế... Hậu quả thì hành khách chịu hết, còn nhà nước thì thất thu thuế. Đáng lo ngại hơn là kỷ cương trật tự giao thông bị xem nhẹ, tạo tâm lý coi thường pháp luật của nhà xe, và tạo khoảng trống cho sự thờ ơ của những người có trách nhiệm.
Xử lý vấn nạn "xe dù bến cóc" nhức nhối, Thành ủy và UBND TP.HCM đã ban hành chỉ thị, kế hoạch để chấn chỉnh. Đến nay, TP.HCM phân định trách nhiệm rạch ròi cho từng đơn vị. Xử lý "xe dù" là trách nhiệm của công an, thanh tra giao thông khi xe lưu thông trên đường, không tuân thủ về quy định đón trả khách. Còn về "bến cóc", quận, huyện rà soát mục đích sử dụng đất các vị trí, bến bãi không đúng quy định và phải yêu cầu chấm dứt hoạt động. Sở GTVT giám sát về điều kiện kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp, thiết lập cơ chế, chế tài với nhà xe vi phạm.
Với những gì diễn ra trong một tháng qua cho thấy, nếu quyết tâm thì phần lớn vi phạm của xe trá hình đều bị xử lý. Đơn cử như nhà xe thuê mặt bằng lập "bến cóc" trên đường Mai Chí Thọ (TP.Thủ Đức), UBND P.An Phú làm việc với chủ đất để chấm dứt hợp đồng. Nhà xe vi phạm, Sở GTVT lập đoàn kiểm tra, chỉ ra vi phạm rồi phạt hành chính, tước giấy phép kinh doanh 3 tháng.
Thế nhưng, trên địa bàn TP.HCM đâu chỉ có vài "bến cóc" ở TP.Thủ Đức mà có hàng chục điểm khác đã được chỉ mặt đặt tên, nêu rõ vị trí. TP.HCM không chỉ có một nhà xe Thành Bưởi mà có gần 5.400 đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô với gần 250.000 phương tiện, chiếm khoảng 25% cả nước. Bên cạnh những nhà xe làm ăn đàng hoàng thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tìm cách lách luật để chạy xe hợp đồng, xe du lịch trá hình.
Địa chỉ trách nhiệm xử lý đã rõ, vị trí hoạt động cũng được xác định, vấn đề còn lại là những người được giao nhiệm vụ có làm công tâm, nghiêm chỉnh hay không. Và nếu cán bộ "không làm những việc phải làm", liệu cấp trên có xử lý kỷ luật kịp thời hay không? Dư luận luôn hoài nghi phải có sự dung túng, bảo kê thì nhiều nhà xe trá hình mới dám lộng hành bất chấp như thế.
Sở GTVT TP.HCM tái khẳng định xử lý nghiêm tình trạng "xe dù bến cóc", xe hợp đồng trá hình, kiểm tra đột xuất và chế tài mạnh. Dư luận kỳ vọng chủ trương, quan điểm đã rõ ấy, không chỉ là phát ngôn từ phòng máy lạnh.