Thiết bị có cấu tạo từ nhiều linh kiện,ọcsinhsángchếthiếtbịbáocháytừsxminhngoc gồm: các cảm biến (khí gas, cháy, chuyển động), module, mạch giảm áp, pin, màn hình LED, kit RF thu phát wifi. Công việc khó khăn nhất là thiết kế, lắp đặt, xử lý thuật toán để các linh kiện hoạt động thống nhất theo nguyên lý điều khiển của trung tâm hệ thống. Nhóm mất hơn 6 tháng mới hoàn thiện sản phẩm.
Về các tính năng của thiết bị, Trần Đăng Mạnh cho biết toàn bộ sản phẩm có 1 trung tâm điều khiển và 6 "vệ tinh" (có thể thiết kế nhiều hơn tùy nhu cầu - PV). Mỗi vệ tinh đặt tương ứng trong 1 phòng. Khi 1 vệ tinh phát hiện có sự cố thì các vệ tinh còn lại cũng sẽ đồng loạt bật còi báo động, giúp những người xung quanh phát hiện theo. Thông qua cảm biến, thiết bị sẽ ghi nhận tình trạng rò rỉ khí gas, ngoài ra còn có các khí độc khác như NH3/CO/H2S. Khi mức khí vượt chuẩn thì thiết bị sẽ gửi tin nhắn và thực hiện cuộc gọi về điện thoại cho chính chủ.
Trong trường hợp hỏa hoạn bắt đầu xảy ra, bên cạnh nút cầu cứu khẩn SOS, thiết bị sẽ gửi vị trí phòng đang cháy và kiểm tra có người bên trong căn nhà hay không, thông qua mạch cảm biến chuyển động. Điều này góp phần giúp mọi người nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của ngọn lửa và đội cứu hỏa hoạt động hiệu quả hơn.
Sản phẩm còn có khả năng phát hiện và cảnh báo về mức dòng điện vượt ngoài vùng an toàn cho phép. Gia chủ có thể chủ động ngắt cầu dao tổng từ xa. Khi không có nguồn điện trực tiếp, thiết bị sẽ có mạch chuyển sang nguồn điện dự phòng (pin 4,2 V) để hoạt động tiếp. Một hữu ích nữa là tính năng tự động kiểm tra và báo lỗi của thiết bị giúp người dùng phát hiện nhanh các sự cố và lỗi kỹ thuật để tiết kiệm thời gian sửa chữa.
Theo Mạnh, sản phẩm đã lắp đặt thực tiễn tại 1 nhà người dân ở ấp Nhơn Lộc 1 và tham khảo ý kiến của Cảnh sát PCCC - Cứu hộ cứu nạn Công an H.Phong Điền (TP.Cần Thơ). Hướng phát triển tới là nâng chất lượng cho sản phẩm về khả năng chống nước, lắp thêm camera quan sát, mở rộng số điện thoại liên lạc. Đặc biệt là không ngừng nghiên cứu để tìm ra những cách thức kết hợp, thay thế linh kiện sao cho sản phẩm gọn nhẹ và ít tốn kém chi phí hơn. Thiết bị có khối lượng gần 7 kg và cần khoảng 7 triệu đồng đầu tư.
Thầy Nguyễn Phúc Thịnh, giáo viên Trường THPT Phan Văn Trị, cho biết trước khi thực hiện ý tưởng sáng chế, 3 học sinh trên đã xem các video, phóng sự về các vụ hỏa hoạn trên báo, đài. Các em thấu cảm với nỗi đau của nạn nhân và gia đình của họ, từ đó có thái độ nghiên cứu rất tích cực, trách nhiệm và quyết tâm cao. Sản phẩm có khả năng ứng dụng trong thực tiễn cao.